Lịch sử Laysan

Khai phá

Người bản địa Hawaii có thể đã biết đến đảo Kauō trước khi người Mỹ và người châu Âu đến đây vào đầu thế kỉ 19. Báo cáo đầu tiên về việc quan sát thấy đảo này là từ các tàu săn cá voi đến từ tiểu bang Massachusetts của Hoa Kỳ. Một số tài liệu gán công lao phát hiện ra đảo Laysan cho thuyền trưởng Stanyukovich của tàu Moller sau khi ông đến vẽ bản đồ đảo này vào năm 1828.

Năm 1857, thuyền trưởng John Paty của tàu Manuokawai tuyên bố chiếm hữu đảo Laysan dưới danh nghĩa Vương quốc Hawaii. Năm 1859, thuyền trưởng Brooks của tàu Gambia du hành đến đảo. Trong nhật ký hàng hải của tàu, có đoạn ghi lại rằng trên đảo có phân chim nhưng "không đủ để đảm bảo cho bất cứ nỗ lực khai thác nào".[7]

Năm 1890, Vương quốc Hawaii cho phép George D. Freeth và Charles N. Spencer được khai mỏ phân chim trên đảo Laysan miễn là họ trả tiền thuê mỏ. Điều kiện làm việc tại các mỏ phân chim tuy rất vất vả nhưng có vẻ trữ lượng phân chim cao hơn mức ước lượng của thuyền trưởng Brooks. Mỗi ngày người ta khai thác được khoảng 100 "tấn" phân chim.[8] Hoạt động khai thác này ảnh hưởng nghiêm trọng lên hệ sinh thái của đảo. Giáo sư William Alanson Bryan của Bảo tàng Bishop ước tính rằng có 10 triệu con chim biển trên đảo Laysan vào năm 1903, trong khi con số này vào tám năm sau đó chỉ còn lại hơn 1 triệu. Trong giai đoạn tám năm này, loài cọ Pritchardia đặc hữu của Laysan và loài đàn hương Santalum ellipticum đều bị tuyệt chủng.

Năm 1894, một người đàn ông người Đức tên là Max Schlemmer chuyển đến sống trên đảo Laysan. Ông này thả thỏ nhàchuột lang ra khắp đảo Laysan để gây đàn cung cấp nguồn nguyên liệu cho hoạt động chế biến thịt hộp trong tương lai. Đây là điểm cốt yếu gây nên sự suy sụp của hệ sinh thái đảo Laysan.[9]

Tuyệt chủng sinh vật

Ảnh chụp đảo vào tháng 5 năm 1902

Lũ thỏ do Schlemmer mang tới đã nhanh chóng nảy nở về số lượng khiến chẳng mấy chốc thảm thực vật sẵn có trên đảo Laysan không thể đáp ứng nổi nhu cầu thức ăn của chúng. Những lời phàn nàn về vấn nạn thỏ cũng như nạn săn trộm chim đã thúc đẩy tổng thống Hoa Kỳ là Theodore Roosevelt ra quyết định biến quần đảo Tây Bắc Hawaii thành một khu bảo tồn chim vào năm 1909. Vào năm 1918, thảm thực vật trên đảo Laysan chỉ còn đáp ứng được nhu cầu của 100 con thỏ. Hai mươi sáu loài cây bị xoá sổ và loài chích cối xay Laysan (Acrocephalus familiaris familiaris) biến mất vĩnh viễn.[10]

Năm 1923, đoàn thám hiểm Tanager tới đảo và cuối cùng lũ thỏ cũng bị diệt trừ. Số lượng cá thể chim trên đảo đã suy giảm còn 1/10 so với con số ban đầu. Nhiều loài cây cũng đã tuyệt diệt. Hai loài đặc hữu là vịt Laysansẻ Laysan sống sót được đến ngày nay nhưng thuộc nhóm loài cực kì nguy cấp.

Diễn biến gần đây

Quang cảnh bờ hồ nước mặn giữa đảo

Đảo Laysan là một đảo không có dân cư sinh sống, nằm dưới sự bảo vệ của Đạo luật Đời sống Tự nhiên Hawaii năm 1961Cục Hoang dã và Cá Hoa Kỳ - cơ quan đã gặt hái thành công trong việc tiêu diệt các loài gây hại và khôi phục trạng thái đảo về gần như thuở ban đầu.

Đủ loại rác thải do tàu thuyền vứt bỏ đều trôi dạt lên bãi biển đảo Laysan, gây nên mối nguy đối với các loài chim do chúng có thể nuốt phải rác nhựa không tiêu hoá được. Điều gây tò mò là đa phần số rác này có nguồn gốc từ Nhật Bản (Greene 2006).[11] Ngoài ra, vào thập niên 1990, các nhà sinh vật học tìm thấy một thùng đựng hoá chất carbofuran độc hại dạt vào bờ đảo và đã bị bung nắp, tạo nên một "khu vực chết" giết chết mọi thực thể sống tiếp cận vùng đó. Theo Rauzon (2001), khu vực này vẫn bị cấm vào.[12]

Diệt cỏ ngoại lai

Năm 1991, Cục Hoang dã và Cá Hoa Kỳ khởi động nỗ lực xoá sổ số cỏ ngoại lai thuộc chi Cenchrus - loại cỏ lấn át cỏ bản địa (vốn là môi trường sống của chim). Cỏ ngoại lai này do Quân đội Hoa Kỳ mang đến Laysan vào thập niên 1960.[13] Dự án kết thúc vào năm 2000 và tiêu tốn 1 triệu đô la Mỹ. Sau khi giải quyết xong mối đe doạ về cỏ, Cục Cá và Hoang dã hi vọng phục hồi trạng thái nguyên thuỷ của đảo Laysan. Cục muốn mang loài cây Pritchardia remota từ đảo Nihoa sang để thay thế loài cây tương tự nhưng đã tuyệt chủng của Laysan. Kế đến Cục sẽ mang chích cối xay Nihoa sang thế chỗ cho loài chích cối xay Laysan đã tuyệt chủng. Các biện pháp này của Cục nhằm hướng tới hai mục tiêu: (1) khôi phục hệ sinh thái đảo Laysan về trạng thái thuở tiền công nghiệp và (2) bảo vệ hai loài sinh vật của Nihoa khỏi nguy cơ tuyệt chủng bằng cách gây tạo một quần thể thứ hai trên đảo Laysan. Trong trường hợp xảy ra hoả hoạn, dịch bệnh hay bão tố ở đảo Nihoa thì vẫn còn có thể khôi phục lại quần thể các loài này bằng cách chuyển một số cá thể từ đảo Laysan sang.[14]

"Sốt Laysan"

Năm 1991, một số công nhân làm việc ở Laysan bị mắc một chứng bệnh lạ với triệu chứng sốt; tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng rất khác nhau: một phụ nữ đã phải sơ tán khỏi đây do bị sốt kéo dài trong khi những người khác thì chỉ biểu hiện các triệu chứng nhẹ. Theo tác giả Cedric Yoshimoto từ Trường Y tế Cộng đồng thuộc Đại học Hawaii ở Manoa thì "các quan sát đã xác định chứng bệnh mới trên người với tên gọi là "sốt Laysan". Chứng bệnh này có liên quan đến việc bị ve ký sinh trên chim biển là Ornithodoros capensis đốt".[15]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Laysan http://books.google.com/?id=wa4tAAAAYAAJ http://the.honoluluadvertiser.com/article/2005/May... http://coris.noaa.gov/about/eco_essays/nwhi/laysan... http://www.papahanaumokuakea.gov/visit/laysan.html http://www.hawaiianatolls.org/research/June2006/al... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://books.google.com.vn/books?id=7UB5d33i8WkC&p... http://books.google.com.vn/books?id=d02YectzRDkC&l... http://books.google.com.vn/books?id=f0efIh9CV94C&p... http://books.google.com.vn/books?id=zH5LYOBEs48C&l...